Vì sao nhiều người sợ đi khám răng?

Nhiều người sợ đi khám răng vì các trải nghiệm không tốt trong quá khứ, cảm giác lạ lẫm với bác sĩ, sợ đau hoặc mắc chứng sợ kim tiêm.

Đối với một số người, âm thanh chói tai của tiếng máy khoan nha khoa nghiến vào răng đủ để gây ra cơn hoảng loạn. Những người khác sợ hãi khi nhìn thấy những dụng cụ y tế sắc nhọn mà bác sĩ đang sử dụng trước mắt.

Với Michael Tan, nỗi sợ hãi kim tiêm khiến anh không thể đến nha khoa kể từ khi còn học tiểu học.

“Tôi không tránh được việc kiểm tra sức khỏe bắt buộc hồi tiểu học. Kể từ khi trưởng thành, tôi đi khám nha sĩ không quá 5 lần”, quản lý cấp cao 40 tuổi cho biết.

Tan cho rằng nỗi sợ phòng khám nha khoa bắt nguồn từ cha anh. Ông cũng mắc chứng sợ kim tiêm. “Ý nghĩ về những chiếc kim tiêm khiến tôi vô cùng khó chịu, đến mức tim đập mạnh. Tôi đã vô cùng căng thẳng khi phải tiêm phòng Covid-19”, anh nói.

Khi đến nha sĩ, cảm xúc của anh bị “đẩy đến giới hạn”. Anh mô tả việc đó giống như nhảy khỏi vách đá.

Tan không phải người hiếm hoi trên thế giới gặp tình trạng này. Các bậc cha mẹ mắc chứng sợ đi khám nha khoa rất có khả năng truyền nỗi sợ này cho con cái kể từ khi còn nhỏ. Tiến sĩ Lim Boon Leng, bác sĩ tâm lý tại Bệnh viện Gleneagles, cho biết: “Các biểu hiện tâm lý của cha mẹ và việc họ thường xuyên trấn an con mình ‘đừng sợ’ đã vô tình dạy trẻ nhỏ rằng nha sĩ rất nguy hiểm, đáng sợ”.

Có những người trải qua các nỗi sợ hãi phi lý như lo lắng nhiễm HIV khi thực hiện thủ thuật nha khoa, sợ hãi trước sự gò bó của chiếc ghế trong phòng nha.

“Các chứng rối loạn khác như rối loạn lo âu. Bệnh nhân sợ rằng mình có thể hoảng loạn khi đang làm thủ thuật, từ đó bị ám ảnh khi đi khám răng”, tiến sĩ Lim nói.

Các trải nghiệm không tốt với việc điều trị răng miệng trong quá khứ cũng tác động xấu đến tâm lý bệnh nhân. Họ sợ âm thanh hoặc hình ảnh tại phòng nha, chẳng hạn tiếng máy khoan y tế hoặc các dụng cụ bác sĩ sử dụng.

Một số người lo lắng vì cảm giác lạ lẫm khi đi khám. Tiến sĩ Andrew Chia, một nha sĩ từ Vista Dental Surgery, cho biết khoảng 60% bệnh nhân mới của ông cảm thấy e ngại khi ngồi trên ghế.

“Điều này dễ hiểu. Nó giống như kiểu bạn đi làm tóc ở một tiệm mới. Bạn không biết kết quả sẽ ra sao, bạn không quen thuộc với bác sĩ mới. Những người hay đến khám đã biết quy trình rồi, nên họ không còn ngại nữa”, ông nói.

Lo lắng khi đi khám đã trở thành rào cản mỗi khi bệnh nhân muốn điều trị nha khoa, theo phó giáo sư lâm sàng Lui Jeen Nee, trưởng khoa Nha khoa phục hồi tại Trung tâm Nha khoa Quốc gia Singapore.

Tuy nhiên, cảm giác lo lắng đơn thuần khác với chứng sợ nha khoa.

“Lo lắng khi khám nha khoa là trạng thái cảm xúc phát triển để đáp ứng với những dự đoán của não bộ hoặc trải nghiệm khi đi khám trước đó. Nó không nghiêm trọng bằng chứng sợ (ám ảnh) về nha khoa”, bà nói. Các biểu hiện của hội chứng này là “đổ mồ hôi lạnh, run rẩy, tim đập nhanh”.

Bác sĩ Lim nói việc lo ngại trong vài ngày trước cuộc hẹn khám là điều khá bình thường. Tuy nhiên, ám ảnh là cảm giác khác hoàn toàn. Nó đặc trưng bởi nỗi sợ hãi dai dẳng, quá mức trước khi phải đi khám khoảng 6 tháng. Bệnh nhân trì hoãn đến bác sĩ càng lâu càng tốt. Nếu không thể tiếp tục trốn tránh, họ cảm thấy đau khổ và lo lắng tột độ.

“Ám ảnh nha khoa cũng có thể biểu hiện ở những bệnh nhân bị lạm dục tình dục, thể chất thời thơ ấu, người phát triển rối loạn căng thẳng sau chấn thương hoặc bị rối loạn phân ly”, giáo sư Lui nói.

Nhiều người ngại đi khám răng vì trải nghiệm không tốt trong quá khứ. 

Trở ngại phổ biến và cơ bản nhất khiến bệnh nhân tránh gặp nha sĩ là nỗi sợ đau. Bác sĩ thường sử dụng gây tê dưới dạng tiêm hoặc khí để khắc phục điều này. Tuy nhiên chính việc phải tiêm thuốc tê khiến nhiều người lo lắng.

Nha sĩ Leroy Kiang tại Orchard Scotts Dental thường bôi gel gây tê tại chỗ trước khi tiêm thuốc tê cục bộ. Bác sĩ Andrew Chia tiêm khoảng một phần tư tổng lượng thuốc tê trong lần đầu tiên, đợi nó có hiệu lực rồi tiêm phần còn lại trong đợt thứ hai. Để giúp bệnh nhân thoải mái hơn, ông tiêm thuốc ở phần thịt của má chứ không phải trực tiếp lên nướu.

“Trước khi làm điều gì, tôi thích trò chuyện với bệnh nhân của mình. Đặc biệt là những người bị đau răng, tôi sẽ giải thích và làm họ thấy an tâm hơn trước khi nhổ răng”, ông cho biết.

Dù lo sợ, bác sĩ khuyến cáo bệnh nhân không nên trì hoãn hoặc trốn tránh khám nha khoa định kỳ.

“Ở thời điểm vấn đề răng miệng gây ra đau đớn, nhiều khả năng bạn sẽ phải điều trị xâm lấn, có thể phải nhổ răng”, nha sĩ Kiang nói.

Một vấn đề phổ biến có thể phòng ngừa là mòn hoặc nứt răng. Các vết nứt chân tóc phát triển nếu răng của bệnh nhân từng có miếng trám hoặc vô tình cắn vào vật cứng. Ban đầu, nó không để lại triệu chứng nào ngoài cảm giác hơi khó chịu khi nhai.

“Nhưng giống như vết nứt nhỏ trên kính chắn gió ô tô, nó có thể lan ra và làm vỡ toàn bộ tấm kính”, nha sĩ Kiang giải thích.

Các chuyên gia đưa ra một số biện pháp để xử lý nỗi sợ trước mỗi buổi khám răng.

Trước khi lên lịch hẹn, bệnh nhân có thể trò chuyện với bạn bè, thành viên trong gia đình hoặc chính nha sĩ. Điều này giúp giải tỏa những khúc mắc và lo lắng trước quá trình điều trị.

Vào đêm trước cuộc hẹn khám, tiến sĩ Lim khuyên người bệnh thực hiện một số bài tập thư giãn sâu, giúp bản thân bình tĩnh. Cách đơn giản để điều hướng bản thân khỏi nỗi sợ là đi ngủ sớm hoặc xem TV. Nếu chứng lo lắng trở nên nghiêm trọng, bệnh nhân có thể uống thuốc giảm lo âu.

Khi đến khám, tiến sĩ Lim khuyến nghị nhắm mắt và tập trung điều hòa hơi thở.

“Bạn luôn có thể thông báo cho nha sĩ nếu thấy không thoải mái vì bất kỳ điều gì. Bạn thậm chí được quyền yêu cầu dừng thủ thuật”, bà nói.

Theo bà, các nha sĩ luôn cố gắng khiến bệnh nhân thoải mái nhất có thể.

“Biện pháp đơn giản là đưa cho bệnh nhân tai nghe khử tiếng ồn, một chiếc chăn, một quả bóng giảm căng thẳng, thậm chí là đốt tinh dầu. Họ cũng sẽ cho bệnh nhân nghỉ giải lao thường xuyên trước mỗi thủ tục dài, thỉnh thoảng kiểm tra lại. Mỗi bệnh nhân đều khác nhau”, tiến sĩ Kiang nói.

About the Author

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

You may also like these